Cùng Cộng đồng dựng Nhà An toàn – “Đồng thiết kế” giữa người dân và KTS
Ngày 13/5/2022 vừa qua, tại viện Goethe Hà Nội (56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), đã diễn ra hội thảo “Cùng Cộng đồng dựng nhà an toàn và ra mắt sổ tay Nhà Chống Lũ” do Chương trình Nhà Chống Lũ (Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững) đã phối hợp viện Goethe Hà Nội tổ chức cùng sự tham gia của các khách mời đặc biệt của Cục Quản Lý Nhà và Thị Trường Bất Động Sản (Bộ Xây Dựng), Tổng cục Phòng Chống Thiên Tai (Bộ NN&PTNT), UBND Tỉnh Quảng Nam, chuyên gia kiến trúc và đại diện Đại Học Huế.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu 9 mô hình nhà an toàn và thảo luận phương pháp chung tay cùng cộng đồng ứng phó với những tàn phá của thiên tai, đồng thời ra mắt sổ tay Nhà Chống Lũ.
Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong tháng 12/2020, Chỉ tính riêng tại miền Trung, đã có hơn 1500 căn nhà bị sập, hơn 239,000 căn nhà bị hư hại, tốc mái và hơn 473,000 lượt nhà bị ngập nước. Việc sống trong một căn nhà an toàn là điều mong mỏi của người dân tại các vùng chịu thiệt hại nặng nề từ thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Khởi động từ năm 2013 đến nay, chương trình Nhà Chống Lũ đã giúp hơn 1000 hộ dân có được nhà an toàn ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, tốc độ tàn phá của thiên tai nhanh hơn rất nhiều so với số nhà an toàn mà chương trình Nhà Chống Lũ đã hỗ trợ. Vì thế, sự chung tay của các cơ quan chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các tổ chức bao gồm những tổ chức quốc tế và phi lợi nhuận, các cá nhân và người dân địa phương trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Chương trình Nhà Chống Lũ, đã có cách tiếp cận rất đặc biệt – “Đồng thiết kế” (Co-Design) , đó là cụ thể hóa phương pháp này trong dự án thông qua cách tiếp cận cho phép các bên liên quan đóng góp sáng tạo trong việc xây dựng và giải quyết vấn đề. Người hưởng lợi sẽ đóng vai trò là “chuyên gia” về trải nghiệm và trở thành trung tâm của quy trình thiết kế, đảm bảo kết quả đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của chính họ. Nhà Chống Lũ trao quyền cho người dân chủ động ra quyết định, xác định giải pháp, góp vốn, góp sức cho chính ngôi nhà của mình. Nhà Chống Lũ đóng vai trò truyền cảm hứng, hướng dẫn kĩ thuật và cung cấp các công cụ hỗ trợ cho người thụ hưởng.
Cụ thể, về kỹ thuật, Nhà Chống Lũ sẽ đưa ra lõi kĩ thuật đảm bảo an toàn, các phần còn lại bà con được sáng tạo theo nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính, số lượng nhân khẩu và ý thích cá nhân. Việc hộ dân tham gia vào tất cả các công đoạn từ lên ý tưởng, thiết kế, xây dựng và nghiệm thu khiến họ trở nên tự tin, yêu quý và trân trọng căn nhà của mình: “Cửa sổ hình tròn do tôi nghĩ ra này”, “Màu sơn tím này tôi chọn mãi mới được đấy”. Cái nhà do chính họ xây nên, và điều mà chúng tôi làm là trao cho họ quyền được làm chủ cuộc đời mình.
Tại sự kiện, KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đồng thời là KTS đầu tiên cũng như đại diện đơn vị tư vấn thiết kế đầu tiên tham gia chung tay cùng Nhà Chống Lũ cũng chia sẻ thêm: “Nhiều người hoạt động vì cộng đồng, nhiều KTS thiết kế các công trình cộng đồng thường phải “ngồi bệt” lăn lưng làm với người dân mới có thể làm ra công trình. Chính vì thế đại đa số nhà do người dân tự làm, vì không có tiền trả phí thiết kế cho KTS. Nhà Chống Lũ và Quỹ Sống với cách tiếp cận đặc biệt với người dân sẽ tạo được sự lan toả xã hội, để người dân có không gian sống tốt, an toàn, mà quan trọng hơn, cùng nhau học được cách làm, cùng nhau tạo sự kết nối và chung tay.”
Cũng tại sự kiện, PGS.TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên – Chủ biên cuốn “Sổ tay Nhà An Toàn” đề cao tư duy cùng thiết kế trong dự án: “Khi thiết kế cho cộng đồng, điều quan trọng nhất là hiểu họ, thâm nhập vào đời sống của họ, cùng nghĩ với họ để từ đó người dân sẽ là chủ thể của “tác phẩm”. Như vậy, sự thay đổi đó mới thật sự có giá trị.”
Ngoài ra tại sự kiện, nhiều khách mời, rất quan tâm đến các mô hình nhà an toàn nằm trong chương trình của Nhà Chống Lũ. Với những chia sẻ kỹ lưỡng về nhiều khía cạnh thực tế, Nhà Chống Lũ đã mang đến cho chính quyền địa phương, các cơ quan chính phủ và người dân có thêm một nguồn tư liệu tham khảo khi xây dựng một ngôi nhà vừa an toàn để chống chọi với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, vừa tiết kiệm mà không cần sự can thiệp của chương trình.