MỘT ĐẦU MỐI, TRĂM GIẤC MƠ
Quy tụ nhiều đơn vị kinh doanh gỗ về cùng một nơi, ước mơ của người đứng đầu Tavico là vận hành được một chợ đầu mối nguyên liệu cho ngành. Đó sẽ là nguồn cung uy tín và phong phú cho doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước có thể lựa chọn nguyên liệu phù hợp, giá cả hợp lý và nhất là đảm bảo tuân thủ tiêu chí gỗ hợp pháp.
Sáng 11/1, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu khai trương Trung tâm Phân phối gỗ hợp pháp Tavico tại P. Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trên diện tích gần 40 ha, theo Tavico, tựa như một “chợ đầu mối”, trung tâm ứng dụng mô hình phân phối nguyên liệu gỗ chuyên nghiệp của những quốc gia phát triển ngành chế biến gỗ hàng đầu. Nhận xét về mô hình này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HAWA cho biết, chợ đầu mối nguyên liệu Tavico là mô hình cần thiết cho sự phát triển ngành chế biến gỗ tại Việt Nam hiện nay. Bởi, không chỉ tập trung được nhiều chủng loại gỗ, nhập từ các quốc gia Âu - Mỹ, Nhật, New Zealand... đây còn là nơi có chính sách quản trị rừng bền vững. Qua đó, vừa làm phong phú thêm cho thị trường, vừa giúp cho các doanh nghiệp (DN) dễ dàng chọn lựa các loại gỗ phù hợp với yêu cầu. Khi tất cả dịch vụ về nguyên liệu tựu trung về một mối như thế, DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển cho từng phần thu mua nguyên liệu như cách làm hiện nay. Rõ ràng, mô hình này góp phần tạo lợi thế cho DN chế biến gỗ.
Không dừng lại ở đó, “đại siêu thị” nguyên liệu của Tavico còn dành không gian để giới thiệu công nghệ và các mô hình nhà gỗ của các nước như Nhật, Canada, Việt Nam... và dành diện tích cho các DN kinh doanh máy móc, phụ kiện ngành gỗ, cung cấp các dịch vụ như tư vấn sử dụng nguyên liệu, xẻ sấy gia công, hợp tác cung ứng nguyên liệu cho công trình, mua bán ký gửi các nguyên phụ liệu ngành gỗ và vận chuyển hàng hóa tới công trình hoặc nhà xưởng. Như vậy, không chỉ đáp ứng nguyên liệu đầu vào, trung tâm còn góp phần kết nối DN sản xuất với ngành công nghiệp phụ trợ, điều mà bấy lâu nay vẫn được xem là hạn chế của ngành chế biến gỗ trong nước.
Trong dự định của ông Võ Quang Hà, người đứng đầu Tavico, đến năm 2020 sẽ cung cấp 200.000m3 gỗ tròn/năm, 200.000m3 gỗ xẻ/năm mới đủ để cung ứng cho thị trường toàn miền Nam Việt Nam. Hơn 14 năm theo đuổi mô hình này vậy mà, ngày giấc mơ thành hiện thực, ông Võ Quang Hà bảo, đó mới chỉ là điểm khởi đầu.
* Đương khi “chợ gỗ Tây”, nơi phân phối hiệu quả nguyên liệu gỗ hợp pháp từ các nước cho thị trường đang hoạt động rất hiệu quả, việc đầu tư hơn 500 tỷ đồng để có thể vận hành một “đại siêu thị” nguyên liệu dường như là cuộc chơi lớn của Tavico?
- Tôi không nghĩ đây là cuộc chơi hay câu chuyện thuần túy là kinh doanh. Từ khi bước chân vào làm gỗ, đưa nguồn nguyên liệu hợp pháp về Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của DN sản xuất cũng như ngành chế biến gỗ, tôi đã nghĩ đến ngày phải thực hiện mô hình này. Trong chuỗi sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam, việc thiếu tập trung các nguồn lực từ lâu đã trở thành rào cản nhưng chưa thể khắc phục, dù các cơ quan ban ngành, hiệp hội đã rất nỗ lực. Đơn cử, nhà sản xuất phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu, phụ liệu... khắp nơi, sau đó tập hợp về xưởng, mới có thể đáp ứng được đơn hàng. Cách làm này rất bất tiện bởi nó không tạo điều kiện cho DN có thể tham khảo cũng như lựa chọn được nhiều nguyên liệu. Về giá cả cũng không thể so sánh dễ dàng. Chưa kể khâu tìm kiếm nhà cung cấp phụ liệu cũng đầy thách thức.
Trong khi đó, ở các nước như Trung Quốc, Mỹ... DN chỉ cần đến một thành phố, một trung tâm... là đã có thể gặp được tất cả các nhà cung cấp cho ngành. Mô hình này khác hoàn toàn với làng nghề Việt Nam, rất nhiều người cùng làm một thứ. Nó là hệ sinh thái với nhiều thành phần tham dự để mục đích cuối cùng là mang lại thuận tiện cho người mua - những DN sản xuất, chế biến gỗ. Một khi DN sản xuất được đảm bảo nguyên liệu, thuận tiện trong giao dịch, chắc chắn là họ sẽ hoạt động tốt hơn. Từng DN tốt hơn sẽ tạo nên được một ngành công nghiệp lớn mạnh hơn. Vì niềm tin này mà hơn 10 năm qua, Tavico phấn đấu hết sức để có thể hình thành trung tâm nguyên liệu này.
Tôi tin, khi trung tâm đi vào hoạt động, chúng tôi có thể thay đổi cách mua bán nguyên liệu của DN chế biến gỗ Việt Nam.
* Không chỉ thay đổi cách mua hàng, việc tập hợp nhiều DN cùng kinh doanh nguyên liệu gỗ, có thể cạnh tranh với Tavico cũng sẽ là thách thức lớn?
- Khi bắt đầu dự án này, tôi không sợ Tavico bị cạnh tranh mà chỉ sợ không tập hợp được những DN cùng ngành bởi tâm lý phần lớn người Việt Nam vẫn thích độc lập trong kinh doanh. Thực tế, gỗ nguyên liệu có nhiều loại, nhiều quy cách khác nhau nên một nhà cung cấp hay chỉ mình Tavico không thể phủ hết được thị trường. Do vậy, việc DN cùng ngành tập hợp lại chỉ mang lợi ích cho DN sản xuất, tạo lợi thế cho toàn ngành bởi chúng ta sẽ thể hiện được tính chuyên nghiệp của một quốc gia chọn chế biến gỗ làm ngành kinh tế mũi nhọn.
Rất may là ý tưởng của tôi được nhiều DN hưởng ứng. Trung tâm Phân phối nguyên liệu gỗ nhập khẩu đã quy tụ được nhiều DN, không chỉ trong mà còn ngoài nước. Dù đảm đương công tác điều hành đại siêu thị nguyên liệu này nhưng phần kinh doanh nguyên liệu, Tavico cũng chỉ là một trong những nhà cung cấp của thị trường, bình đẳng như các nhà cung cấp khác. Đã qua giai đoạn “mạnh ai nấy làm”, DN ngành gỗ cần ngồi lại với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hòa. Có như vậy, mục tiêu hướng đến Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới mới có thể thành hiện thực.
* Như chia sẻ của ông trước đây, phải đến cuối 2019, trung tâm mới chính thức vận hành. Điều gì khiến ông đẩy nhanh tiến độ đến thế?
- Theo quy hoạch phát triển của Tavico, đúng là phải đến quý IV/2019, trung tâm mới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhìn vào những biến chuyển của thị trường, từ việc Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo, hỗ trợ phát triển ngành chế biến gỗ là ngành kinh tế mũi nhọn cho đến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn... không khó để nhận ra, trong năm 2019, cơ hội dành cho Việt Nam phát triển ngành là rất lớn. DN sản xuất đã có cơ hội mà người cung cấp nguyên liệu không đủ năng lực cung ứng thì sẽ là một lực cản lớn cho sự phát triển chung.
Chắc chắn, DN sẽ an tâm tập trung vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị nếu họ được đảm bảo nguyên liệu ổn định. Tập thể Tavico suốt một năm vừa qua cố gắng đẩy nhanh tiến độ vì điều này. Trong vận hội chung, chúng tôi hy vọng mình có thể là một trợ lực, thúc đẩy ngành phát triển, đóng góp hữu ích cho kinh tế quốc gia. Đó là giấc mơ không chỉ của riêng tôi mà của chung hàng trăm DN.
* Để đẩy nhanh tiến độ như thế, công tác đầu tư nguồn nhân lực của Tavico chắc hẳn phải rất chú trọng?
- Không chỉ hiện tại, Tavico chú ý đến công tác phát triển con người. Mục tiêu của chúng tôi khi vận hành trung tâm phân phối nguyên liệu gỗ nhập khẩu là từ nay đến 2020, phải tăng được gấp 3 lần khả năng cung cấp cho thị trường. Để doanh số tăng gấp 3 như thế thì con người cũng phải được đầu tư tương xứng, mới có thể mang đến kết quả.
Ở Tavico, chúng tôi chấp nhận tuyển dụng những người chưa có kinh nghiệm, những sinh viên mới ra trường rồi đào tạo. Thực tế, mức đãi ngộ của ngành không khó để tuyển người nhưng tìm được người có cùng tư duy làm việc với tập thể DN mình hay không, sẵn sàng “chung thuyền” với nhau hay không lại là thử thách lớn. Nếu không cho nhân lực biết được định hướng phát triển của DN và không giúp nhân lực phát triển được bản thân, tôi nghĩ, sẽ khó lòng mà giữ chân họ.
* Mười bốn năm cho một giấc mơ dài, giờ thì ông đã có thể thong dong với những dự định riêng cho bản thân?
- Đúng, 14 năm là khoảng thời gian không ngắn nhưng với tôi, đây mới chỉ là điểm khởi đầu cho hành trình của mình. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết kế mô hình, vận động DN đi cùng... đã khó thì việc vận hành trung tâm càng khó hơn. Rõ ràng, Việt Nam chưa ứng dụng mô hình này trước đây nên thời gian đầu chắc sẽ có những va vấp nào đấy cho đến khi mô hình có thể thực sự vận hành trơn tru. Tôi chấp nhận vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm.
* Mạnh dạn thay đổi “luật chơi” trong thị trường phân phối nguyên liệu gỗ, niềm vui lớn nhất của ông trong suốt quá trình ấy sẽ là gì?
- Tôi nhận được những niềm vui từ sự mở lòng. Cơ hội của ngành chế biến gỗ Việt Nam không ai có thể phủ nhận được nhưng chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ để có thể vươn vai, đúng với tầm vóc chúng ta có thể. Tôi tin là khi đi cùng nhau, chúng ta có thể đi nhanh hơn, tận dụng được cơ hội mà thế giới đang mở ra cho Việt Nam.
* Cảm ơn ông về những trao đổi này!