VI / EN

Thế giới chi kỷ lục 500 tỷ USD mua đồ gỗ nội thất, Việt Nam xuất được bao nhiêu?

Năm 2021, doanh thu đồ nội thất toàn cầu dự kiến đạt 500 tỷ USD. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng nhưng thị phần trong tổng nhập khẩu của EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc giảm.

Ngành gỗ bứt phá ấn tượng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta trong quý IV/2021 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 27,4% so với quý trước đó, giảm 4,3% so với quý IV/2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ trong quý IV/2021 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 31,9 so với quý III/2021, giảm 16,4% so với quý IV/2020. Trong năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020. 

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Trong quý III/2021, bức tranh ngành gỗ trở nên ảm đạm khi chịu tác động của dịch Covid-19, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê; việc chậm trễ trong giao hàng cho đối tác, kim ngạch xuất khẩu lao dốc, tại thời điểm này ngành gỗ gần như khó đạt được mục tiêu đã đặt ra. 

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với dịch, cùng với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong quý IV/2021 ngành gỗ đã bứt phá và đạt kết quả ấn tượng trong năm 2021.

Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,2% so với năm 2020. Tiếp theo là thị trường châu Á đạt 4,4 tỷ USD, tăng 16%; châu Âu đạt 910 triệu USD, tăng 18,6% so với năm 2020. Trong năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ tăng duy nhất tới châu Mỹ, còn lại tỷ trọng xuất khẩu tới các châu lục khác đều giảm.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Về mặt hàng: Đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này giảm nhẹ trong năm 2021, nhưng trị giá xuất khẩu đạt 9,99 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng cần được chú trọng để đẩy mạnh xuất khẩu bởi đây là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 2 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2020. Mặc dù, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thị trường xây dựng trên toàn cầu vẫn diễn ra sôi động, đây là yếu tố chính thúc đẩy mặt hàng này tăng mạnh.

Nhu cầu đồ gỗ tiếp tục tăng mạnh bất chấp dịch

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn trên thị trường thế giới vẫn tăng mạnh trong năm 2021 và dự báo cả năm 2022. 

Trong 10 tháng năm 2021, dẫn đầu về nhập khẩu đồ gỗ là thị trường EU đạt 20,9 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 20,4 tỷ USD, tăng 37.8%; Anh đạt 4 tỷ USD, tăng 39,3%... 

Trong số 5 thị trường nhập khẩu chính đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, chỉ có thị trường Hoa Kỳ có tỷ trọng nhập khẩu tăng từ Việt Nam, còn lại các thị trường khác đều giảm tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam. 

Nguồn: ITC

 

Đối với thị trường Hoa Kỳ, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ. Tốc độ tăng trưởng nhanh sang thị trường Hoa Kỳ góp phần thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam có kết quả ấn tượng trong năm 2021. 

Đối với thị trường EU, EU là thị trường tiềm năng mà ngành gỗ hướng tới trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, bởi nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU rất lớn, tuy nhiên thị phần của Việt Nam tại EU còn rất thấp. 

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chỉ chiếm 1,8% tổng lượng và 2,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường dù tỉ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này chiếm tới 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới EU. Điều này cho thấy, dư địa xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn rất lớn. 

Nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch Covid-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao làm hạn chế nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ vào EU. Vì vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để nâng cao thị phần xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường này trong thời gian tới. 

Triển vọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ được thúc đẩy nhờ nhu cầu tăng trên thị trường thế giới, theo Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu (100 quốc gia được khảo sát) sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỷ USD), các nước sẽ có sự phục hồi tiêu thụ đồ nội thất lớn nhất là các nước thuộc châu Âu và châu Á.

Được biết, ngành gỗ và lâm sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt kim ngạch 16 tỷ USD trong năm 2022.

Gỗ Việt (Nguồn Danviet.vn)





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang