Thương mại hai chiều Việt Nam – Anh hồi phục tích cực nhờ UKVFTA
Việc thực thi Hiệp định UKVFTA đã mang lại sự tăng trưởng ấn tượng cho hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Anh trong năm 2021 và đang tiếp tục cho thấy sự hồi phục tích cực trong giai đoạn sau dịch Covid-19.
Ngày 23/6, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA”. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích khai thác, tận dụng tốt cơ hội mang lại từ Hiệp định UKVFTA và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại với Vương quốc Anh thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp Anh.
Thương mại hai chiều phục hồi tích cực sau đại dịch
Cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, do vẫn còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của năm 2021.
Phát biểu tại hội thảo, ông Chris Milliken – Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) khẳng định mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Việt Nam và Anh. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đang dần có dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Anh. Ông Chris Milliken tin rằng hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau.
Ông Chris Milliken cho biết, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Anh hướng sự quan tâm của mình tới những nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng khá ổn định và bền vững, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, ông Chris Milliken đánh giá cao cam kết đưa lượng phát thải ròng về 0 đến năm 2050 của Việt Nam tại COP26.
Để thực hiện mục tiêu này, ông đánh giá Việt Nam hiện tại đang khá cởi mở để tiếp nhận các giải pháp công nghệ giúp xây dựng nền tảng năng lượng tái tạo của mình. Đây lại là lĩnh vực mà Vương quốc Anh những năm gần đây đã tập trung phát triển, có nhiều thế mạnh. Tại Việt Nam, đi đầu trong hợp tác tại lĩnh vực này là những doanh nghiệp lớn về năng lượng của Anh như của Tập đoàn Shire Oak International với nhiều dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Enterprise Energy đang đầu tư dự án Thăng Long wind ngoài khơi mũi Kê Gà - Bình Thuận, Tập đoàn Main Stream đang đầu tư dự án điện gió Phú Cường Sóc Trăng,..
Bà Trương Thị Chí Bình, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng nêu lên nhiều mặt hàng trong ngành chế biến, chế tạo đang có mức tăng trưởng cao về xuất khẩu vào Anh và vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới như dây cáp điện, linh kiện phụ tùng máy văn phòng, linh kiện cơ khí cho đồ nội thất…
Nông, lâm, thủy sản vào Anh nhờ UKVFTA
Ngoài tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Anh. Với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có cơ hội trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về hợp đồng, thanh toán và cách phòng tránh.
Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM, Giám đốc Thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam, đánh giá cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, tin tưởng rằng Việt Nam có thể thay thế các nước khác như Ấn Độ, Indonesia để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh. Ông đã chia sẽ thêm về nhu cầu nhập khẩu mặt hàng nông thủy sản của thị trường Anh, cũng như nêu ra các tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản vào thi trường Anh.
Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, cơ hội cho các sản phẩm nông thủy sản sang Vương quốc Anh được hưởng nhiều ưu đãi. Để thâm nhập vào thị trường Anh, ông Nguyễn Mạnh Đạt, Phó Viện trưởng, Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần có được thông tin rõ ràng, chi tiết về quy định tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, đồng thời thay đổi mô hình sản xuất đáp ứng thị trường xuất khẩu khó tính này.
Bà Nguyễn Ngọc Đài Trang, Giám đốc Điều Hành, Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI Group) cũng bổ sung rằng Anh là đất nước có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật nhanh chóng để có thể cải tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, khẳng định Bộ Công Thương luôn đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Bà Trần Nguyễn Hồng Trang, Giám Đốc toàn quốc về nghiệp vụ và dịch vụ khách hàng, Trung Tâm Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Ngân Hàng HSBC Việt Nam, cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tận dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để có thông tin tốt về đối tác. Các ngân hàng hoạt động thương mại toàn cầu lâu năm như HSBC thường có mạng lưới rất tốt hỗ trợ cho việc này. Ngoài ra, phương thức thanh toán LC vẫn sẽ là một phương thức thanh toán quốc tế truyền thống nhưng hiệu quả, giúp đảm bảo khả năng thanh toán của người mua hàng.
Gỗ Việt (Nguồn haiquanonline)