VI / EN

Xuất khẩu gỗ dăm và viên nén tăng, ngành gỗ kỳ vọng mang về 16,5 tỉ USD

 

Mặc dù xuất khẩu đồ gỗ nội thất đang gặp một số khó khăn trong những tháng cuối năm, nhưng xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ đang phát triển mạnh mẽ đã cân đối lại lượng ngoại tệ mang về trong 10 tháng năm 2022. Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ hoàn thành mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm: 16,5 tỉ USD.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có

Theo một "đầu nậu" thu mua gỗ tại Đồng Hỷ - Thái Nguyên (đề nghị không nêu tên), hiện nay giá gỗ xẻ (gỗ lớn) gần như tương đương giá gỗ dăm, chỉ chênh nhau 20.000 đồng/tấn, nên người trồng đang đua nhau chặt bán cho các xưởng dăm.

Điều đáng nói là, có một nghịch lý đang diễn ra: Nếu như xuất khẩu đồ gỗ nội thất, gỗ ghép thanh đang "đóng băng", thì xuất khẩu dăm gỗ, viên nén lại đang tăng trưởng "nóng" trong 10 tháng năm 2022.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Xuất Nhập khẩu lâm sản Hải Oanh (Nông Cống - Thanh Hóa) chia sẻ: Nếu không nhờ việc xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đang  "thăng hoa", thì doanh nghiệp của ông khó tồn tại nổi khi từ cuối năm 2021 xuất khẩu gỗ ghép thanh chậm dần và từ tháng 4.2022 đến nay thì dừng hẳn.

"Nếu dừng làm dăm gỗ thì doanh nghiệp chúng tôi chết hẳn bởi lãi ngân hàng đang đè nặng" - ông Hải nói.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc lâm nghiệp và nguyên liệu - Công ty Biomas Fuel Việt Nam tại Nghệ An - cho hay: Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính nhất như: Nhật Bản, Mỹ, EU, viên nén phải đảm bảo chất lượng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, thị trường viên nén gỗ của doanh nghiệp là Nhật Bản, sắp tới có thể mở rộng sang Châu Âu khi nhu cầu viên nén làm nguyên liệu sưởi mùa đông tại thị trường này đang tăng cao.

Kỳ vọng xuất khẩu gỗ vẫn mang về 16,5 tỉ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu của toàn ngành gỗ trong 10 tháng năm nay đạt giá trị 13,5 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh xuất khẩu gỗ cho thấy, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén có sự bứt phá mạnh mẽ, nổi lên như "một hiện tượng" trong toàn ngành gỗ: Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu viên nén đạt kim ngạch hơn 603 triệu USD; tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ đã đạt gần 1,8 tỉ USD trong 10 tháng, trong khi cả năm 2021 mặt hàng này chỉ mang về 1,7 tỉ USD. Với đà xuất khẩu này, kỳ vọng 2 mặt hàng gỗ và viên nén sẽ mang về khoảng 2,8-2,9 tỉ USD trong năm 2022. Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, ước tính xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10 đạt 1,2 tỉ USD, tăng 7,7% so với tháng 9 và tăng gần 26% so với tháng 10.2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 747 triệu USD, tăng 18,5% so với tháng 10.2021. Tính chung trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 13,5 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,3 tỉ USD, tăng 2,7%.

Trao đổi với PV, ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam - nhấn mạnh: Các thương nhân Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam không chỉ phục vụ cho ngành sản xuất giấy của nước này, mà còn làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất viên nén ở Trung Quốc.

"Với nguồn cung trong nước hạn chế, Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa vào các nước láng giềng để thu mua gỗ nguyên liệu trong tương lai. Điều này là cơ hội cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam"- ông Vũ Tuấn Anh nói.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), không riêng gì thị trường EU, nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tại khu vực Châu Á cũng tăng mạnh là do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh 2 thị trường này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối.

Gỗ Việt (Nguồn Laodong.vn)





Các tin khác

Bản quyền thuộc về công ty Cổ Phần Tân Vĩnh Cửu
Hotline: 1900 2345 19
Lên đầu trang